Sáng 6/3/2020 tại Hội trường thư viện trường ĐHXD đã diễn ra buổi Tọa đàm khoa học về chủ đề “ Nghiên cứu tiêu chuẩn thiết kế trường học đáp ứng yêu cầu đổi mối gíao dục phổ thông” . Đây là chương trình nằm trong hoạt động nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Nhà nước do GS Doãn Minh Khôi chủ trì ; “ Nghiên cứu giải pháp quy hoạch, thiết kế hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đổi mới giáo dục phổ thông”.
Cuộc tọa đàm đã có sự tham gia của nhiều chuyên gia , trong đó có nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia dưới các góc nhìn khác nhau:
– GS.TS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng UAI, Chủ trì hội thảo, trình bày về : “ Những vấn đề cần trao đổi trong tiêu chuẩn Quộc gia Trường tiểu học TCVN 8793: 2011 và Tiêu chuẩn Quốc gia Trường Trung học TCVN 8794: 2011 liên quan tới đổi mới giáo dục phổ thông “.
– ThS. KTS Hoàng Thúc Hào, GV Bộ môn Kiến trúc dân dụng, chuyên gia đã từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về trường học vùng cao, trình bày về những bất cập của quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thực tiễn thiết kế và xây dựng trường học. Theo ông , tiêu chuẩn mới chỉ tính toán căn cứ vào số lượng giáo viên và học sinh, mà quên mất rằng phụ huynh cũng là một nhân tố tham gia cộng đồng trường học. Điều đó lý giải tại sao phụ huynh đi đón con phải đứng bên ngoài trường , làm ách tắc giao thông. Ông nhất trí với quan điểm của TS Trần Thanh Bình , rằng trường học có 5 vấn đề cần quan tâm : Đó là Bản sắc, chức năng, sáng tạo, giao thông và sinh thái.Trong nhiều trường hợp, sự vận dụng tiêu chuẩn đã làm mất bản sắc. Vì vậy sọan thảo tiêu chuẩn cần quan tâm tới bản sắc. KTS Hoàng Thúc Hào cũng cho rằng cần thay đổi quy định của các cơ quan quản lý khi máy móc coi một sân bóng có vạch kẻ sơn lại tính vào mật độ xây dựng, và một sân trống thì không tính vào mật độ.
– Đặc biệt tọa đàm có sự tham gia của thầy Nguyễn Hữu Trí, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phương Mai, Hà Nội. Bằng kinh nghiệm giảng dạy và quản lý của mình, thầy Trí cho rằng , đối với học sinh vấn đề an toàn là quan trọng nhất. Trên quan điểm đó, độ cao nhà học 4 tầng là hợp lý, Các lớp học phải có ánh sáng tự nhiên, chiều rộng phòng học phải tăng lên để giáo viên có thể dễ dàng đến học sinh, và học sinh có thể đi lại dễ dàng trong lớp học. Ông Trí cho rằng, tiêu chuẩn quy định chung cho các thành phố áp dụng là không thực tiễn. Cần có tiêu chuẩn địa phương đi kèm tiêu chuẩn quốc gia. Đối với Hà Nội, tiêu chuẩn quy định đất xây dựng 5m2/ 1 học sinh như TCVN là không thể thực hiện được. Trường Phương Mai có 24 lớp trên một diện tích đất 1100 m2, trường tiểu học Kim Liên quá tải phải xây dựng nhà học trên sân trường…Trong khi đó tại các vùng xa, vấn đề đất đai lại không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề đổi mới giáo dục phổ thông đòi hỏi phải thay sách, phải áp dụng công nghệ…Với cách học và dạy như thế, lẽ tất nhiên phải dạy học theo phương pháp học nhóm. Muốn vậy không gian lớp học phải to, nhưng số học sinh phải ít. Như vậy với trường sở không thay đổi thì liệu đáp ứng nổi nhu cầu học sinh ngày một tăng thêm.
– TS. KTS Trần Minh Tùng, trưởng Bộ môn Kiến trúc Dân dụng cho rằng , tiêu chuẩn QG về trường học có nhiều bất cập. Tiêu chuẩn quy định 35 HS/ 1 lớp học chỉ giành cho các trường chuyên, thực tế các lớp học có thể lên đến 60, thậm chí gấp đôi. Số lượng hoc sinh có thể tăng đột biến vào những năm được cộng đồng xem là năm đẹp. Vậy giải quyết nhu cầu được học của trẻ em vào những năm đó như thế nào. Lớp học ở thành thị và nông thôn là hoàn toàn khác nhau. Những quy định cứng của tiêu chuẩn trên thực tế đã buộc KTS phải nghĩ cách thích ứng. Chẳng hạn, để đảm bảo sân bãi theo chuẩn quy định, nhiều nhà học phải làm sân bãi như một không gian bán lộ thiên ở tầng 1. Và thực tế cho thấy ở các vùng ngập lụt, hoạt động cơi của các em còn tốt hơn rất nhiều so với sân lộ thiên ( vì trời rất nắng hoặc rất mưa). Vấn đề sân bãi cần được quy định rõ hơn trong tiêu chuẩn, chẳng hạn sân chào cờ, sân chơi , sân thể thao cần phải có quy định. TS Tùng cũng nhất trí cho rằng, tiêu chuẩn nên chia ra theo nhiều cấp khác nhau: giữa đô thị và nông thôn; giữa độ thị loại 1, loại 2, loại 3…giữa các vùng miền có đặc điểm địa lý khác nhau. Cần bổ sung tiêu chuẩn Trường và Điểm trường cho vùng núi.
– Ts. KTS Nguyễn Tất Thắng, Phó Chủ tịch HĐ khoa học, Viện Kiến trúc Quốc Gia, Bộ Xây dựng đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh, trong đó thiết kế là một quá trình cải tiến và biến đổi không ngừng nghỉ, vì vậy không thể không có điều chỉnh các tiêu chẩn cho phù hợp với thực tiễn. Thực tế cho thấy Tiêu chuẩn thiết kế đã từng trở thành rào cản cho các sáng tạo kiến trúc. Vì vậy chỉ cần đưa ra các định mức tối thiểu , thuộc Quy chuẩn xây dựng. Thực tế giảng dạy ở Việt Nam cho thấy việc cải tiến đổi mới diễn ra quá nhiều và thường xuyên, nhưng cơ sở vật chất thì gần như không thay đổi. Nhiều trường học được xây dựng trong những điều kiện khó khăn khiến chủ đầu tư phải nghiên cứu lách luật.Vì vậy cần nghiên cứu xác định hệ thống tiêu chuẩn ngắn và dài hạn cho phù hợp với thực tiễn. Cần có Tiêu chẩn cơ sở, quy chuẩn địa phương cho các vùng miền khác nhau. Tiêu chuẩn vùng miền sẽ do Sở xây dựng hoặc vài ba tỉnh kết hợp soạn thảo, trên cơ sở tham khảo TCQG. Về thiết kế đển hình, ông Thắng cho rằng hiệu quả của thiết kế điển hình cho các vùng miền là không cao. Đã có nhiều thiết kế điển hình mà thực tiễn không sử dụng được. Chủ yếu tập trung nghiên cứu định hướng, điển hình hoặc dây chuyền công năng. Nghiên cứu các bộ phận điển hình có ý nghĩa hơn là một thiết kế cụ thể.
– PGS. Ts Nguyễn Quang Minh, GV bộ môn Kiến trúc Dân dụng, trình bày về nghiên cứu so sánh tiêu chuẩn thiết kế trường học giữa Việt nam và Australia. Theo ông điểm căn bản trong thiết kế tiêu chuẩn của Australia chính là quy định rất chặt chẽ những vấn đề liên quan tới kỹ thuật, còn các vấn đề khác thì để lỏng. Thí dụ một lớp học có diện tích cho phép từ 54-72m2, với sĩ số lớp khoảng 20 -25 em đối với trường Trung học PT.. Trong khi đó các quy định về số lượng sân thể thao thì đã được tiêu chuẩn hóa. Đối với Xingapo, là một quốc gia đô thị, họ không phân biệt bang như các quốc gia khác.
– TS.KTS Trần Thanh Bình , Chuyên gia cao cấp , nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu thiết kế trường học cho rằng tiêu chuẩn thiết kế trường học cần phải dựa vào 5 yếu tố: Sứ mệnh, Cơ sở xác lập, Cấu trúc, Kinh nghiệm và Phương pháp tiếp cận. (1) Về sứ mệnh, TCVN cần phải đạt được chuẩn QG về cơ sở vật chất trường học, triết lý giáo dục, điều kiện kinh tế VN, chuẩn tối thiểu, trình độ, sự thich ứng, sự đáp ứng và yêu cầu thiết kế. Cơ sở vật chất xác lập dựa vào 4 yếu tố là an toàn, thân thiện, tiện nghi và Môi trường, với các tác động của 4 yếu tố: Công nghệ dạy học, xu hướng, sinh khí hậu và Quy hoạch kiến trúc. (2) Cơ sở xác lập TCVN dựa vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng là yếu tố pháp lý , vấn đề phân bố dân cư và quy hoạch mạng lưới.(3) Về cấu trúc cần có Quy định chung, quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng. (4,5 ) Về kinh nghiệm và phương pháp tiếp cận phải dựa vào điều kiện Việt Nam > cần nghiên cứu nâng cao, mở rộng tiêu chuẩn mới cho các vùng miền khác nhau. TS Bình cũng cho rằng còn rất nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ cho việc nghiên cứu về tiêu chuẩn trường học.
Tọa đàm diễn ra với nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận. Chủ trì hội thảo GS Doãn Minh Khôi tổng kết những vấn đề đã trao đổi và những vấn đề còn tiếp tục nghiên cứu. Ban chủ nhiệm đề tài xin nghiên cứu các ý kiến trao đổi của các nhà khoa học để ứng dụng vào đề tài nghiên cứu đang tiến hành thực hiện.
Thanh Bình