UAI Tin
tức

Tọa đàm: “Bắc Bộ Phủ – khảo cứu lý lịch một công trình”

Sáng ngày 29/12/2021, tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Bắc Bộ Phủ – khảo cứu lý lịch một công trình” thuộc dự án “Cải tạo, sửa chữa, phục hưng, bảo tồn công trình kiến trúc tòa nhà Bắc Bộ Phủ – 12 Ngô Quyền, Hà Nội” do Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị – trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức.

Bắc Bộ Phủ, nay là Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm), là một di tích lịch sử – văn hóa quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Đây là nơi ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (19-8-1945) của nhân dân Thủ đô, cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, làm việc sau Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến – là một trong những công trình quan trọng của thủ đô Hà Nội.

Các thành viên tham dự Tọa đàm

Đến dự tọa đàm có đại diện chủ đầu tư, các tư vấn khảo sát, tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý dự án, Hội đồng chuyên gia, cùng nhiều nhà khoa học. Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS.TS. Doãn Minh Khôi – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị – trường Đại học Xây dựng khẳng định, Bắc Bộ Phủ là một công trình mang giá trị không chỉ về mặt kiến trúc mà còn về cả mặt lịch sử, văn hóa. Công việc đầu tiên của Dự án là cần phải hiểu rõ về lý lịch của công trình. Vì vậy việc khảo sát, đánh giá công trình là quan trọng và cần thiết.

GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi – Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị – Chủ tịch Hội đồng chuyên gia phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – giám đốc Nhà khách Chính phủ bày tỏ mong muốn Hội đồng chuyên gia sẽ nghiên cứu và đánh giá kĩ lưỡng các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc công trình, đánh giá hồ sơ khảo sát và các giải pháp của đơn vị thiết kế để bảo tồn các giá trị kiến trúc, đồng thời tăng cường công năng, cung cấp thêm một số dịch vụ đa dạng hơn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – giám đốc Nhà khách Chính phủ – Bộ Ngoại Giao phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Thay mặt Hội đồng chuyên gia, PGS.TS.KTS. Khuất Tân Hưng trình bày báo cáo nghiên cứu về Hồ sơ dữ liệu công trình Bắc Bộ Phủ. Nội dung báo cáo đánh giá hồ sơ dữ liệu, phương pháp lựa chọn, phân tích hồ sơ và những kiến nghị bổ sung các tài liệu cần thiết. Đại diện tư vấn Bộ quốc phòng báo cáo những nội dung liên quan tới chức năng sử dụng mới của tòa nhà, liên quan tới giải pháp cải tạo.

PGS.TS.KTS. Khuất Tân Hưng (Trưởng bộ môn Lịch sử kiến trúc, bảo tồn Di sản – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) trình bày báo cáo buổi Tọa đàm.
KTS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện thiết kế – Bộ Quốc phòng – đơn vị Tư vấn thiết kế) phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Tiếp theo là phần trao đổi, KTS. Torsten Illgen (Giám đốc Iros Lackner Vietnam LLC) cho rằng, đây là một công trình có giá trị cần thận trọng trong quá trình nghiên cứu trùng tu cải tạo. Nên chia thành nhiều giai đoạn và trong một thời gian dài.

KTS. Torsten Illgen (Giám đốc Công ty Inros Lackner Vietnam LLC) phát biểu tại buổi Tọa đàm.

TS.KTS. Trần Thanh Bình (chuyên gia Cao cấp – Hội KTS Việt Nam) nhận xét qua khảo sát cho thấy, về cơ bản hình thái kiến trúc bên ngoài của công trình gần như được giữ nguyên, tuy nhiên không gian nội thất phần lớn đã bị biến dạng thay đổi, lý do xuất phát từ các lần tu sửa liên quan tới việc thay đổi công năng sử dụng.

TS.KTS. Trần Thanh Bình (chuyên gia Cao cấp – Hội KTS Việt Nam) phát biểu tại buổi Tọa đàm.

GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông (Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam) nhấn mạnh, tòa nhà Bắc Bộ Phủ là công trình hạt nhân của toàn bộ tổng thể Nhà khách Chính Phủ. Vì vậy ngoài ranh giới cố định chúng ta nên xem xét rộng ra cả bối cảnh đô thị xung quanh, trong đó có cả nhà B (Nhà khách Chính Phủ) và nhà C (Quán cà phê nhỏ – kiến trúc hiện đại). Ba công trình này đại diện cho ba giai đoạn phát triển kiến trúc của Việt nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông (Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam) phát biểu tại buổi Tọa đàm.

TS.KTS. Trương Ngọc Lân (phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch – ĐHXD Hà Nội) phát biểu, lí do công trình đối diện tòa nhà Bắc Bộ Phủ là nhà B (Nhà khách Chính Phủ) chưa phát huy được giá trị là do khối công trình nhà khách mới hoạt động chưa hiệu quả, nhưng may mắn hình khối công trình mới vẫn tôn lên được có giá trị tôn vinh công trình cũ. Để có thể duy trì lâu dài giá trị của tổ hợp công trình và tạo chi phí duy trì, liệu có nên kết hợp thêm công năng tham quan du lịch. Hạ tầng kĩ thuật phục vụ công trình cũng là một vấn đề cần được lưu ý hơn (ví dụ lắp điều hòa, ống thoát nước mưa trên mái,…)

TS.KTS. Trương Ngọc Lân (phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch – ĐHXD Hà Nội) phát biểu tại buổi Tọa đàm.

TS.KTS. Nguyễn Việt Huy (Chủ tịch Chi hội KTS – ĐHXD Hà Nội) cho rằng, nên phân tích mở rộng nghiên cứu trên phạm vi cả khu đất ra hơn nữa (khoảng 1,1ha) để có thể xem xét được các yếu tố bối cảnh xunh quanh công trình. Về vấn đề bổ sung công năng khách sạn, nếu có ý định làm khách sạn thì nên cần mời một đơn vị tư vấn chuyên về vận hành khách sạn chuyên nghiệp tham gia vào.

TS.KTS. Nguyễn Việt Huy (Chủ tịch Chi hội KTS – ĐHXD Hà Nội) phát biểu tại buổi Tọa đàm.

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn (Trường Bộ môn Cảnh quan – ĐHXD Hà Nội) phát biểu sự cần thiết nghiên cứu nên xem xét cả không gian cảnh quan xunh quanh nữa, cảnh quan bởi lẽ sân vườn chính là không gian nền để tôn lên được vẻ đẹp của công trình chính.

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn (Trường Bộ môn Cảnh quan – ĐHXD Hà Nội) phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Cùng chung ý kiến với GS Quốc Thông, PGS.TS.KTS. Nguyễn Quang Minh (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – ĐHXD Hà Nội) chúng ta nên khẳng định cần tôn trọng những công trình hiện trạng. Mặc dù những công trình xây chen về sau có thể không được như ý, tuy nhiên nếu chúng ta biết khai thác thì mỗi công trình vẫn có những giá trị nhất định. Về mặt đào tạo, đây có thể là một ví dụ điển hình về các thời kỳ kiến trúc cho các thế hệ sinh viên về sau tham khảo.

PGS.TS.KTS. Nguyễn Quang Minh (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – ĐHXD Hà Nội) phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Buổi tọa đàm thu hút nhiều câu hỏi, sự quan tâm, trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành cũng như chia sẻ quan điểm xoay quanh công trình Bắc Bộ Phủ. Đây là tọa đàm đầu tiên, là tiền đề cho việc Bảo tồn các di sản tại Việt Nam nói chung và tòa nhà Bắc Bộ phủ nói riêng.

Tin và ảnh: Vương Đạt

Tin nổi bật

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN DỊCH VỤ

THÔNG TIN

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN DỊCH VỤ

THÔNG TIN

Để lại thông tin liên hệ